Blockchain cổ nhất trên thế giới từng ẩn náu trên tờ New York Times từ năm 1995

Blockchain – loại sổ cái kỹ thuật số được biết đến rộng rãi nhờ việc là nền tảng cho hầu hết các đồng tiền mã hóa đình đám trên thế giới. Nhắc đến blockchain, người ta sẽ nghĩ ngay đến Bitcoin, đồng tiền mã hóa đầu tiên tạo ra dựa trên công nghệ này.
Nhưng trên thực tế, loại blockchain lâu đời nhất có trước Bitcoin đến 13 năm và nó ẩn mình trong ấn bản in hàng tuần của một trong các tờ báo được phát hành rộng rãi nhất trên thế giới: tờ The New York Times.
Blockchain đầu tiên trên thế giới
Về cơ bản, ngày nay blockchain được xem như một cơ sở dữ liệu do một mạng lưới người dùng duy trì và bảo mật bằng mã hóa, với các “block” thông tin liên tục được tạo ra và kết nối với nhau theo dạng khối sau liên kết với khối trước. Blockchain được xem như công nghệ nền tảng để tạo nên các đồng tiền mã hóa cũng như các token kỹ thuật số, ví dụ như Bitcoin hay Ethereum.
Trên thực tế, blockchain – với tư cách là một chuỗi liên tục dữ liệu mã hóa hàm băm – lần đầu tiên được phát minh bởi các nhà mật mã hóa Stuart Haber và Scott Stornetta vào năm 1991 và mục đích sử dụng của họ ít tham vọng hơn nhiều.
Thay vì ứng dụng nó trong một cuốn sổ cái kỹ thuật số và ghi lại các giao dịch tiền tệ, Haber và Stornetta xem công nghệ này như một cách để đánh dấu mốc thời gian (timestamp) cho các tài liệu kỹ thuật số để xác minh tính xác thực của chúng.
Khi họ mô tả chi tiết công trình của mình trong một tài liệu đăng trên Tạp chí Mật mã (The Journal of Cryptology), họ cho biết, khả năng chứng thực thời điểm một tài liệu được tạo ra hoặc chỉnh sửa có thể giải quyết vấn đề bản quyền sở hữu trí tuệ.
Việc đánh dấu mốc thời gian cho các tài liệu kỹ thuật số sẽ giải quyết hai vấn đề. Đầu tiên, bản thân dữ liệu phải được đánh dấu mốc thời gian, “để nó không thể thay đổi dù chỉ một bit trên tài liệu mà không bị nhận ra.” Thứ hai, việc thay đổi mốc thời gian gần như là không thể.
Giải pháp rõ ràng cho vấn đề này là sử dụng một dịch vụ timestamp khi nó lưu giữ tài liệu trong một “két an toàn kỹ thuật số“. Tuy nhiên, cách làm này có nhược điểm là nó sẽ xâm phạm đến tính riêng tư của người gửi tài liệu và tài liệu cũng có thể bị xâm phạm khi được dịch vụ này lưu trữ.
Giải pháp của Haber và Stornetta là cho tài liệu chạy qua một thuật toán mã hóa hàm băm, để tạo ra một ID độc nhất cho tài liệu đó. Ngay cả khi một bit trên tài liệu thay đổi thì nó cũng sẽ lại chạy qua thuật toán mã hóa một lần nữa, khi đó mã ID sẽ thay đổi hoàn toàn. Kết hợp ý tưởng này với ý tưởng về chữ ký số, chúng có thể được sử dụng để xác định danh tính độc nhất của người ký.
Vì vậy, thay vì phải gửi toàn bộ tài liệu tới một dịch vụ timestamp, người dùng chỉ cần gửi giá trị mã hóa hàm băm. Dịch vụ timestamp đó sẽ ký xác nhận để đảm bảo nó nhận được giá trị này ở một thời điểm xác định và không bị xâm phạm.
New York Times trở thành nơi cất giấu một phần của blockchain 
Dựa trên giải pháp của mình, Haber và Stornetta đã tạo ra dịch vụ timestamp của riêng họ, có tên gọi Surety, để biến dự định của mình thành hiện thực.
Sản phẩm chính của Surety có tên gọi “AbsoluteProof”. Nó hoạt động như một con dấu bảo mật (secure seal) mã hóa trên các tài liệu kỹ thuật số, với cơ chế tương tự như tài liệu nghiên cứu của Haber và Stornetta.
Blockchain cổ nhất trên thế giới từng ẩn náu trên tờ New York Times từ năm 1995 - Ảnh 1.
Mã băm được đăng tải công khai trên New York Times để tránh việc bị thay đổi và chỉnh sửa
Các khách hàng sử dụng phần mềm AbsoluteProof của Surety để tạo ra một bản băm cho tài liệu kỹ thuật số, và sau đó gửi tới máy chủ của Surety để nó tạo ra một con dấu bảo mật về mốc thời gian. Con dấu này là một mã định danh độc nhất bảo mật, được trả lại cho chương trình để lưu trữ trên máy khách hàng.
Cùng lúc đó, một bản sao của con dấu đó và các con dấu khác do khách hàng đó tạo ra sẽ được gửi tới “cơ sở dữ liệu đăng ký phổ thông” (universal registry database) của AbsoluteProof, một chuỗi hàm băm (hash-chain) bao gồm toàn bộ các con dấu Surety của khách hàng. Nó tạo nên một bản ghi không thể thay đổi đối với tất cả các con dấu Surety từng được tạo ra, vì vậy công ty hay bất kỳ bên thứ ba nào cũng không sửa đổi được con dấu.
Nhưng làm thế nào để chắc chắn các bản ghi nội bộ của Surety là hợp lệ?
Thay vì đăng tải toàn bộ mã băm của khách hàng lên một sổ cái kỹ thuật số công khai, Surety tạo ra một giá trị băm độc nhất cho toàn bộ các con dấu mới thêm vào cơ sở dữ liệu mỗi tuần và sau đó đăng tải giá trị băm này lên tờ New York Times. Giá trị đó được đặt trong một ô quảng cáo nhỏ ở mục Timesclassified dưới tiêu đề “Notice & Lost and Found” và xuất hiện mỗi lần một tuần từ năm 1995.
Theo công ty, điều này làm cho “bất kỳ ai – bao gồm cả Surety – cũng không thể hủy bỏ mốc thời gian hoặc xác nhận các bản sao điện tử mà không phải bản sao chép chính xác của bản gốc.”
Cả Haber và Stornetta đã rời khỏi Surety từ hơn một thập kỷ trước để quay lại nghiên cứu, nhưng ngày nay cả hai đều đang làm việc như những nhà mật mã học cho các dự án blockchain khác. Vào năm 2008, khi Satoshi Nakamoto lần đầu mô tả về Bitcoin trong sách trắng, 3 trong số 8 tài liệu được trích dẫn do Haber và Stornetta viết.

Hãy bình luận đầu tiên

Để lại một phản hồi

Thư điện tử của bạn sẽ không được hiện thị công khai.


*